Tết Thanh Minh là một dịp lễ truyền thống quan trọng trong văn hóa Á Đông, trong đó có Việt Nam. Thời điểm này là lúc con cháu tưởng nhớ đến công ơn dưỡng dục của tổ tiên, bày tỏ lòng thành kính và biết ơn đối với những người đã khuất.
Không phải là ngày lễ lớn nhưng Tết Thanh Minh vẫn là một dịp đặc biệt trong năm, mang đậm nét đẹp “uống nước nhớ nguồn” của người Việt. Vậy cụ thể nguồn gốc và ý nghĩa của Tết Thanh Minh là gì? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết của Nuoccongnghiep.com nhé!
1. Tết Thanh Minh là gì? Diễn ra vào ngày nào của năm 2024?
Tết Thanh Minh không có ngày cố định, thường diễn ra trong khoảng 15 – 16 ngày, bắt đầu từ 4 – 5/4 (sau khi kết thúc tiết Xuân Phân) đến 20 – 21/4 dương lịch (vào lúc bắt đầu tiết Cốc Vũ).
Đây là thời điểm thiên nhiên ôn hòa, cây cối đâm chồi nảy lộc, thích hợp để con người hướng về cội nguồn, thăm mộ tổ tiên, cùng nhau dọn dẹp mộ phần sạch sẽ, bày biện mâm cúng và thắp hương tưởng nhớ những người đã khuất.
Mặc dù là một dịp lễ quan trọng trong văn hóa Việt Nam để thể hiện lòng biết ơn và nhắc nhở về đạo lý “uống nước nhớ nguồn” nhưng không phải ai cũng biết cách tính ngày chính xác của Tết Thanh Minh trong năm. Vậy làm thế nào để xác định? Có hai cách tính phổ biến được sử dụng:
- Dựa vào tiết khí: Tết Thanh Minh sẽ bắt đầu vào tiết Thanh Minh của mùa xuân – một trong 24 tiết khí trong năm.
- Dựa vào kinh độ mặt trời: Thời điểm bắt đầu Tết Thanh Minh là khi kinh độ mặt trời bằng 15° so với gốc tọa độ là điểm Xuân Phân.
Năm 2024, Tết Thanh Minh rơi vào thứ năm ngày 4/4/2024 (tức 26/2/2024 âm lịch) và kết thúc vào khoảng 20 – 21/4/2024.
2. Nguồn gốc, ý nghĩa của Tết Thanh Minh
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho biết, Tết Thanh Minh là ngày đầu tiên của tiết Thanh Minh – tiết thứ 5 trong 24 tiết khí theo quan niệm của các nước phương Đông. Đây là thời điểm chuyển giao giữa đông chí và lập xuân, tức là từ lạnh giá của mùa đông sang ấm áp, trong lành của mùa xuân.
Về mặt ngữ nghĩa, “Thanh” có nghĩa là trong lành, thoáng mát, sạch sẽ. “Minh” có nghĩa là sáng sủa, thông tuệ. Khi ghép lại, “Thanh Minh” dùng để chỉ sự trong lành và tươi sáng của thời tiết.
Về ý nghĩa, tại Việt Nam, tiết Thanh Minh là thời điểm để mọi người đi tảo mộ. Con cháu sẽ dọn dẹp, quét dọn mộ phần của tổ tiên để thể hiện lòng thành kính và biết ơn. Đồng thời, đây cũng là dịp để con cháu khấn xin tổ tiên phù hộ sức khỏe, bình an và may mắn. Sau khi tảo mộ xong, các thành viên trong gia đình sẽ quây quần cùng nhau bên mâm cơm đầy ấm cúng.
Tết Thanh Minh là một ngày lễ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam. Đây là dịp để con người hướng về cội nguồn, tưởng nhớ tổ tiên, bồi đắp tình cảm gia đình và truyền thống văn hóa tốt đẹp.
3. Phong tục của Tết Thanh Minh
Trong Tết Thanh Minh, mọi người sẽ có hai hoạt động chủ yếu, đó là đi tảo mộ và làm lễ cúng bái tổ tiên.
Đi tảo mộ
“Tảo mộ” là một từ Hán Việt có ý nghĩa là quét mộ. Đây là một phong tục truyền thống của người Việt Nam nói riêng và các nước Á Đông nói chung vào ngày Tết Thanh Minh. Vào ngày này, con cháu sẽ đến thăm mộ của tổ tiên để dọn dẹp xung quanh và sửa sang nếu cần thiết. Đối với những người mất đã được hỏa táng, con cháu sẽ đến chùa hoặc nơi lưu giữ tro cốt để thực hiện các nghi thức bái lạy.
Cúng bái
Lễ cúng là một phần quan trọng trong Tết Thanh Minh. Mọi người thường dâng hương quả để cúng trong dịp này. Sau khi hương đã tàn, tiền giả sẽ được đốt để gửi đến gia tiên dưới suối vàng với mong muốn người đã khuất sẽ có một cuộc sống sung túc ở thế giới bên kia. Ngoài ra, mọi người cũng thường cầm quả lựu hoặc cành liễu trong quá trình cúng bởi chúng đại diện cho sự thanh khiết.
4. Cách sắm lễ ngày Tết Thanh Minh
Chuẩn bị lễ vật cúng bái chu đáo là một phần không thể thiếu trong ngày Tết Thanh Minh. Trong văn hóa của người Trung Hoa, lễ vật cúng gồm có bánh thanh đoàn tử và bánh cuộn thừng. Thanh đoàn tử là một loại bánh có màu xanh được nấu từ gạo nếp và cỏ tương mạch thảo ở vùng Giang Nam. Bánh cuộn thừng được làm từ bột gạo hoặc bột mì tùy vùng miền rồi đem đi chiên lên. Sau khi cúng xong, cả hai loại bánh này sẽ được hạ xuống rồi chia ra cho mọi người cùng ăn với nhau.
Tại Việt Nam, lễ vật cúng Tết Thanh Minh có thể khác nhau tùy theo phong tục từng vùng miền, nhưng nhìn chung sẽ bao gồm:
- Gà luộc.
- Giò chả.
- Xôi nếp.
- Trầu cau.
- Trái cây.
Bên cạnh mâm cỗ mặn, vàng mã cũng là vật phẩm không thể thiếu trong các nghi lễ cúng bái. Bạn có thể mua vàng mã tại các cửa hàng bán đồ cúng hoặc tạp hóa. Ngoài ra, bạn cũng có thể sắm thêm quần áo, xe hơi, điện thoại, nhà lầu, vàng,… để đốt kèm theo.
5. Lưu ý để tránh xui xẻo vào Tết Thanh Minh
Tết Thanh Minh là dịp để con cháu tưởng nhớ và bày tỏ lòng thành kính đối với tổ tiên. Tuy nhiên, theo quan niệm dân gian, mộ phần tổ tiên là nơi linh thiêng, vì thế cần lưu ý một số điều sau để tránh gặp xui xẻo:
Khi chuẩn lễ vật cúng bái
- Nên rửa sạch đồ cúng và để khô ráo trước khi đem đi cúng.
- Tuyệt đối không ăn đồ cúng trước khi dâng lên tổ tiên.
Khi dọn dẹp mộ phần
- Hãy dọn dẹp bằng khăn sạch, chổi sạch.
- Chỉ được dùng khăn sạch để lau di ảnh của người đã mất.
- Không nên nói chuyện lớn tiếng trong lúc tảo mộ.
Một số điều kiêng kỵ khác
- Không nên chụp ảnh, nhất là chụp ở gần bia mộ.
- Không nên bàn tán về tên hoặc nhân dạng của người đã khuất trong di ảnh.
- Không nên để trẻ con nghịch ngợm, phá phách ở khu vực xung quanh bia mộ.
6. Bài văn khấn ông bà ngày Tết Thanh Minh
Khi cúng lễ vật trong ngày Tết Thanh Minh, một người đại diện cho gia đình cần phải đọc bài văn khấn. Nếu chưa biết cách thì hãy tham khảo bài khấn sau đây:
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Con lạy chín phương Trời. Con lạy mười phương Chư Phật.
Con kính lạy hương linh tổ tiên trên trời.
Hôm nay là [ngày tháng năm] dương lịch, nhằm ngày [ngày tháng năm] âm lịch.
Con tên là [tên người đọc khấn], hiện sinh sống tại [địa chỉ của người đọc khấn].
Nhân dịp tiết Thanh Minh năm 2024, con cùng toàn thể gia đình đến đây để cúi đầu bái lễ mộ phần tổ tiên.
Trước tiên, con xin dâng lên lòng thành kính biết ơn công lao to lớn của tổ tiên đã gây dựng cơ nghiệp cho dòng họ [họ của người khấn], phù hộ cho con cháu bình an và ban phước cho gia đình làm ăn phát tài trong suốt thời gian qua.
Để tỏ lòng thành kính, con và gia đình đã chuẩn bị mâm lễ vật nhỏ dâng lên chư vị tổ tiên. Đồng thời, con cũng xin phép được sửa sang lại phần mộ để nơi an nghỉ của tổ tiên thêm thanh sạch và vững chắc.
Mong chư vị tổ tiên linh thiêng phù hộ độ trì cho gia đình con luôn mạnh khỏe dồi dào, làm ăn tấn tới, con cháu học hành giỏi giang, tài cao, người già sống thọ, hưởng phúc an khang.
Chúng con nguyện tiếp nối truyền thống tốt đẹp của gia đình, tích đức làm thiện, giúp đỡ mọi người để làm phúc cho dòng họ và cho thế hệ mai sau.
Lễ vật tuy đơn sơ, lòng thành kính vô bờ bến. Cúi mong chư vị tổ tiên chứng giám.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Bài văn khấn này chỉ là gợi ý, bạn có thể thay đổi nội dung để phù hợp với hoàn cảnh của gia đình mình. Nên đọc bài khấn với giọng rõ ràng, trang nghiêm để thể hiện lòng thành kính đối với tổ tiên.
7. Tết Thanh Minh Việt Nam khác gì Trung Quốc?
Tết Thanh Minh là một ngày lễ truyền thống quan trọng trong văn hóa Á Đông. Tuy nhiên, phong tục tập quán và ý nghĩa của ngày lễ này ở Việt Nam và Trung Quốc có một số điểm khác biệt:
Quan niệm
- Việt Nam: Tết Thanh Minh thường tập trung vào việc tảo mộ ông bà tổ tiên và thường diễn ra vào độ cuối tháng chạp và trước 30 Tết. Trước đây, người dân thường tổ chức hội nhưng hiện nay không còn phổ biến.
- Trung Quốc: Tết Thanh Minh là một dịp lễ lớn với nhiều hoạt động bao gồm tảo mộ, cúng bài, đốt vàng mã, vui chơi, đi du lịch,… Thường thì Tết Thanh Minh ở đây diễn ra vào ngày 5/4 dương lịch hàng năm.
Hoạt động
- Việt Nam: Hoạt động cúng bái thường diễn ra nhỏ lẻ với quy mô gia đình thay vì dòng họ. Mọi người thường tập trung vào việc dọn dẹp, sửa sang phần mộ tổ tiên và ít tổ chức các hoạt động khác.
- Trung Quốc: Ngược lại, Tết Thanh Minh ở quốc gia này được công nhận là quốc lễ nên có nhiều hoạt động sôi nổi. Hoạt động cúng bái và tảo mộ sẽ được đồng loạt người dân cùng thực hiện. Bên cạnh đó, mọi người còn tổ chức nhiều hoạt động vui chơi như chọi gà, kéo co, hái trà, thả diều, ca hát, nhảy múa,… Đặc biệt, đây còn là thời điểm để các cặp đôi nam nữ bắt đầu cập kê và tán tỉnh nhau. Một số nơi còn tổ chức đóng kinh kịch hoặc làm lễ với quy mô lớn.
Món ăn
- Việt Nam: Thông thường, người dân sẽ tập trung vào các món ăn truyền thống như xôi gấc, xôi đậu, gà luộc, canh và trái cây. Các món ăn có thể thay đổi tùy theo đặc trưng của từng vùng miền.
- Trung Quốc: Đối với người dân ở nước này, các món ăn trong Tết Thanh Minh khá đa dạng và có nhiều món đặc trưng như xôi, chè, bơ, mật ong,…
Lời kết
Tết Thanh Minh là một dịp mang nhiều ý nghĩa, không chỉ về mặt tâm linh mà còn về văn hóa và xã hội. Có thể thấy, đây là ngày lễ để con cháu tưởng nhớ đến công ơn dưỡng dục của tổ tiên, bày tỏ lòng thành kính và biết ơn. Hy vọng qua bài viết bạn đã hiểu hơn về Tết Thanh Minh nhé.